I. DỰA TRÊN THỰC TRẠNG CỦA HS
Dạy Tập làm văn ở Tiểu học nhìn chung, khi trả lời câu hỏi, làm các bài tả, kể, theo chương trình học sinh không biết trả lời, viết thế nào là chuẩn là hay, trình bày như thế nào thể hiện sự tự tin. Thông thường các em bắt chước theo bạn, theo thầy cô, bắt chước hệt như người khác, học thuộc theo văn mẫu. Bản chất môn Tập làm văn không phải là sự bắt chước máy móc, bắt chước mãi, không có cái riêng của mình thì sẽ trở thành người máy.
Về phía cha mẹ học sinh: Cha mẹ học sinh có thể giúp cho con mình học tốt các môn khác. Riêng môn Tập làm văn, số người có thể phối hợp dạy cho con học tốt môn này còn quá ít, tâm lý khá phổ biến của cha mẹ học sinh là muốn cho con học thêm về môn Toán, Anh văn,… rất ít cha mẹ muốn cho con học Tập làm văn nếu không có yêu cầu của thầy cô giáo, phụ huynh chỉ mua sách Tập làm văn mẫu cho các em đọc.
II. DỰA TRÊN CƠ SỞ THỰC TIỄN
Hiệu quả của việc dạy học không chỉ phụ thuộc vào nội dung dạy học mà còn phụ thuộc vào phương pháp dạy học. Đặc biệt Tập làm văn là môn mà các em ở Tiểu học yếu hơn các môn khác. Bởi vậy người giáo viên phải có nhiệm vụ giúp các em nối tiếp một cách tự nhiên các bài khác nhau trong môn Tiếng Việt như: Tập đoc, chính tả, kể chuyện, luyện từ và câu,… nhằm giúp các em có năng lực: nói, viết. Nhờ năng lực này, các em biết sử dụng Tiếng Việt làm công cụ tư duy, giao tiếp, học tập. Giúp các em bổ sung kiến thức, rèn luyện tư duy qua đó hình thành nhân cách cho các em.
Để cung cấp và giúp các em có những kiến thức Tiếng Việt, người giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học Tập làm văn cụ thể, logic qua các tiết học của phân môn Tập làm văn.
III. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Giải quyết vấn đề:
Việc dạy Tập làm văn có vai trò quan trọng trong việc hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên chưa đánh giá đúng mức vị trí của môn Tiếng Việt trong chương trình Tiểu học đặc biệt là phân môn Tập làm văn. Phải hiểu rõ rằng: phân môn Tập làm văn là môn thực hành tổng hợp, là kết quả của các môn học đồng thời cũng là môn tạo tiền đề để học tốt các môn học khác.
Dạy Tập làm văn tức là dạy học sinh tạo lập ngôn bản(nói, viết) tính đến các nhân tố của hoạt động giao tiếp và quá trình giao tiếp. “Văn là người” vì thế muốn làm văn hay thì các em phải có kiến thức thực tế cuộc sống, có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, có vốn hiểu biết và kỹ năng sử dụng Tiếng Việt thành thạo để rồi rút gan ruột của mình ra mà thể hiện, trình bày sự cảm nhận của mình.
Ngoài việc cung cấp một số kiến thức mới, nội dung dạy học Tập làm văn cho học sinh còn có các bài ôn tập nhằm củng cố, hệ thống hoá những kiến thức đã học về văn kể chuyện, văn miêu tả,… chuẩn bị cho học sinh những điều kiện cần thiết để học lên những lớp trên.
2. Các kỹ năng làm văn:
Nội dung các Kỹ năng làm văn cần trau dồi cho học sinh cũng được xây dựng trên cơ sở quy trình sản sinh ngôn bản cụ thể:
– Kỹ năng định hướng hoạt động giao tiếp:
- Nhận diện đặc điểm loại văn bản.
- Phân tích đề bài, xác định yêu cầu.
– Kỹ năng lập chương trình hoạt động giao tiếp:
- Xác định dàn ý của bài văn đã cho.
- Quan sát đối tượng, tìm và sắp xếp ý thành dàn ý trong bài văn miêu tả.
– Kỹ năng hiện thực hoá hoạt động giao tiếp:
- Xây dựng đoạn văn(chọn từ, tạo câu, viết đoạn văn).
- Liên kết các đoạn văn thành bài văn.
– Kỹ năng kiểm tra, đánh giá hoạt động giao tiếp:
- Đối chiếu văn bản nói, viết của bản thân với mục đích giao tiếp và yêu cầu diễn đạt.
- Sửa lỗi về nội dung và hình thức diễn đạt.
- Ví dụ các loại bài học:
Chương trình Tập làm văn lớp 5 được cụ thể hoá trong SGK Tiếng Việt 5 chủ yếu qua hai loại bài học tương tự như ở SGK Tiếng Việt 4: loại bài hình thành kiến thức và loại bài luyện tập thực hành.
– Loại bài hình thành kiến thức được cấu trúc theo 3 phần:
- Nhận xét: Phần này bao gồm một số câu hỏi, bài tập gợi ý học sinh khảo sát văn bản để tự rút ra nhận xét về đặc điểm loại văn – kiến thức cần ghi nhớ.
- Ghi nhớ: Gồm những kiến thức cơ bản được rút ra từ nhận xét.
- Luyện tập: Bài tập thực hành đơn giản nhằm giúp học sinh củng cố và vận dụng kiến thức tiếp nhận trong bài học.
– Loại bài luyện tập thực hành chủ yếu nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng làm văn, do vậy nội dung thường gồm 2 – 3 bài tập nhỏ hoặc một đề bài Tập làm văn kèm gợi ý thực hành luyện tập theo hai hình thức: nói, viết.
- Ví dụ: Khi dạy bài Tập làm văn: Viết một đoạn miêu tả cảnh sông nước (Tiếng Việt 5 – Tập 1).
Giáo viên cần giúp các em hệ thống hoá các từ ngữ thuộc chủ đề sông nước. Chẳng hạn: lăn tăn, êm đềm, man mác, quanh co, xanh thẳm, lung linh,…
- Câu đúng thành câu mở rộng, câu hay:
Do kỹ năng đặt câu của học sinh còn nhiều hạn chế nên giáo viên cần giúp các em ôn luyện cách đặt câu đúng, từ câu đúng biết cách mở rộng thành câu hay để sử dụng trong bài Tập làm văn.
- Ví dụ: Khi dạy bài: Viết đoạn văn tả cảnh một buổi sáng hoặc trưa, chiều trong vườn cây hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy (Tiếng Việt 5, Tập 1, Trang 22). Sau khi giúp học sinh xác định đề bài, giáo viên cần giúp các em cách đặt câu đúng, từ câu đúng thành câu mở rộng, thành câu hay. Chẳng hạn:
- Câu đúng: Mặt trời mọc.
- Câu mở rộng: Ở chân trời phía đông, ông mặt trời từ từ dâng cao trên đỉnh núi.
- Câu đúng: Chim hót.
- Câu mở rộng: Trong vòm lá xanh, con chim chào mào hót líu lo như đón chào ngày mới.
– Chuyển một phần dàn ý thành đoạn văn:
Để học sinh diễn đạt được bài Tập làm văn của mình một cách sinh động, có nghệ thuật, các em thường được trau dồi qua tiết học “Chuyển một phần dàn ý thành đoạn văn”.
– “Một phần của dàn ý” có thể là mở bài, kết bài cũng có thể là một phần của thân bài.
– Phần này, giáo viên cần nhắc nhở các em vận dụng cách mở rộng câu đúng thành câu hay để đưa vào bài Tập làm văn. Như vậy, mỗi em mỗi ý, mỗi vẻ khác nhau nhưng đều bảo đảm đủ ý chính.
3. Mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành nhân cách cho học sinh.
Nội dung các bài Tập làm văn lớp 4 – 5 thường gắn với chủ điểm đang học ở các bài tập đọc. Quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện các kỹ năng phân tích đề, quan sát, tìm ý, nói – viết đoạn từ đó tạo cơ hội giúp trẻ mở rộng hiểu biết về cuộc sống theo chủ điểm đang học.
Việc phân tích dàn bài, lập dàn ý, chia đoạn bài văn miêu tả, quan sát đối tượng, tìm lí lẽ và dẫn chứng để thuyết trình, tranh luận,… góp phần phát triển năng lực phân tích, tổng hợp của học sinh. Tư duy hình tượng của trẻ cũng được rèn luyện và phát triển nhờ các biện pháp so sánh, nhân hoá… khi miêu tả.
Học các tiết Tập làm văn, học sinh cũng có điều kiện tiếp cận với vẻ đẹp của con người và thiên nhiên đất nước, có cơ hội bộc lộ cảm xúc của cá nhân, mở rộng tâm hồn và phát triển nhân cách con người Việt Nam.
- Ví dụ một số bài khi dạy Tập làm văn:
* Bài: Luyện tập tả cảnh(Sách Tiếng Việt 5, tập 1)
– Cho học sinh đọc bài văn: Buổi sớm trên cánh đồng.
– Giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích bài văn bằng các câu hỏi:
- Tác giả tả những sự vật gì trong buổi sớm mùa thu?
- Tác giả quan sát sự vật bằng những giác quan nào?
- Tìm một chi tiết thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả?
– Sau khi tìm hiểu xong bài văn, giáo viên cần nhấn mạnh cho học sinh thấy nghệ thuật quan sát và chọn lọc chi tiết tả cảnh của tác giả bài văn.
* Bài: Luyện tập tả cảnh(Sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 21)
– Yêu cầu của bài này là học sinh phân tích hai văn bản Rừng trưa và Chiều tối để thấy được những hình ảnh đẹp trong mỗi bài văn.
– Cách tiến hành bài này là gì?
- Cho học sinh đọc lần lượt từng bài văn.
- Giáo viên giới thiệu tranh, ảnh về rừng tràm cho học sinh quan sát.
- Cho học sinh nêu ý kiến về hình ảnh mà các em thích trong mỗi bài Tập làm văn. Có thể yêu cầu các em nêu lí do vì sao mình thích hình ảnh đó.
– Giáo viên cần tôn trọng ý kiến của học sinh, đặc biệt khen ngợi những em tìm được những hình ảnh đẹp.
– Sau cùng, giáo viên chốt lại các hình ảnh đẹp ở từng bài Tập làm văn và hướng cho học sinh nên đưa các hình ảnh đẹp vào bài Tập làm văn miêu tả.
4. Vận dụng linh hoạt phương pháp dạy Tập làm văn nhằm đạt hiệu quả thiết thực:
* Dạy bài luyện tập thực hành:
Giáo viên cần nắm vững trình độ của học sinh để giải quyết những khó khăn mà các em thường gặp như: chưa biết vận dụng kiến thức đã học để làm bài; hạn chế về vốn sống thực tế nên chưa có cơ sở tạo lập một số loại văn bản thông thường(HĐ trải nghiệm). Ví dụ: làm biên bản, làm đơn, lập chương trình hoạt động,…). Để giải quyết những khó khăn trên, giáo viên có thể sử dụng các biện pháp dạy học: Giúp học sinh nắm được thứ tự các thao tác cần thực hiện khi làm bài tập; hướng dẫn học sinh nhắc lại kiến thức đã học có liên quan làm cơ sở cho bài luyện tập.
- Ví dụ: Bài Lập chương trình hoạt động(tuần 20)
– Dựa vào mẫu chuyện về một buổi sinh hoạt tập thể và mẫu gợi ý, học sinh biết lập chương trình hoạt động cho buổi sinh hoạt tập thể đó và cách lập chương trình hoạt động nói chung.
- Bài tập 1: Giáo viên và học sinh cùng làm, sau đó hình thành cách lập chương trình theo mẫu.
- Bài tập 2: Dựa vào bài mẫu trên (BT1), các nhóm cùng hợp tác với nhau để hoàn thành bài tập 2, học sinh trình bày chương trình tự tin, rõ ràng.
Dạy các bài Tập viết đoạn đối thoại, giáo viên cũng cần sử dụng triệt để biện pháp gợi ý bằng câu hỏi, biện pháp làm mẫu để dẫn dắt học sinh luyện tập, tăng cường đối tượng học sinh nhất là những lớp còn có những em tiếp thu chậm.
5. Quy trình giảng dạy:
Về cơ bản, quy trình giảng dạy các bài học của phân môn Tập làm văn là quy trình hướng dẫn học sinh thực hành tự tìm ra kiến thức và luyện tập trau dồi các kỹ năng phục vụ cho việc sản sinh ngôn bản. Tuy nhiên, căn cứ vào cấu trúc nội dung của hai loại bài học, hoạt động dạy bài mới được tiến hành có điểm khác nhau.
5.1. Kiểm tra:
Yêu cầu học sinh nhắc lại những kiến thức cần ghi nhớ hoặc làm bài tập đã thực hành ở tiết trước(hoặc giáo viên nhận xét kết quả).
5.2. Dạy bài mới:
a/ Giới thiệu bài mới:
Dựa vào nội dung và mục đích yêu cầu của bài dạy cụ thể, giáo viên có thể dẫn dắt giới thiệu bài bằng những cách khác nhau sao cho thích hợp.
b/ Hướng dẫn học sinh hình thành kiến thức và luyện tập:
– Đối với bài hình thành kiến thức:
- Hướng dẫn học sinh nhận xét: Dựa theo câu hỏi, bài tập gợi ý của mục I(nhận xét) SGK, giáo viên hướng dẫn học sinh nhận dạng đặc điểm của loại văn thông qua việc khảo sát văn bản, thảo luận, trả lời câu hỏi nhằm tìm ra những điểm cần ghi nhớ(được diễn đạt ngắn gọn, xúc tích ở mục II trong SGK).
- Hướng dẫn học sinh ghi nhớ: giáo viên hướng dẫn học sinh đọc kỹ nội dung mục II(ghi nhớ) SGK, sau đó có thể nhắc lại(không nhìn trong SGK) để học thuộc và nắm vững.
- Hướng dẫn học sinh luyện tập: giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện từng bài tập ở mục III(Luyện tập) SGK theo trình tự:
+ Đọc và hiểu yêu cầu của bài tập(giáo viên có thể gợi ý thêm bằng câu hỏi hoặc lời giải thích).
+ Thực hành luyện tập theo yêu cầu của bài tập.
(Có thể làm thử một phần bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sau đó trao đổi thảo luận theo cặp hoặc nhóm).
+ Nêu kết quả trước lớp để giáo viên nhận xét, đánh giá nhằm củng cố kiến thức và hình thành kỹ năng theo yêu cầu của bài học.
– Đối với loại bài luyện tập thực hành:
Đây là loại bài chủ yếu nhằm mục đích rèn luyện kỹ năng làm văn. Nội dung bài học thường gồm hai đến ba bài tập nhỏ hoặc một đề bài Tập làm văn. Dựa vào mục đích yêu cầu của bài dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện từng bài tập trong SGK theo trình tự các thao tác đã nêu ở mục tiêu của loại bài hình thành kiến thức hoặc hướng dẫn học sinh thực hiện từng nội dung gợi ý trong SGK để luyện tập các kỹ năng Tập làm văn dưới hình thức: nói – viết theo đề bài cho trước.
5.3. Củng cố, dặn dò:
Giáo viên giúp học sinh nhắc lại những điểm chính của nội dung bài học hoặc yêu cầu luyện tập thực hành, nhận xét đánh giá chung kết quả tiết học, biểu dương làm bài hay, động viên học sinh học tốt. Dặn học sinh thực hiện công việc tiếp theo(học bài cũ, chuẩn bị cho bài mới).
IV. Kết luận
Vậy việc dạy cho học sinh thuộc văn mẫu là bóp nghẹt sáng tạo của học sinh?
Tất cả áp lực trên khiến một số giáo viên thiếu kiên nhẫn, chọn cách bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu rồi viết lại y nguyên. “Đó không phải là phương pháp mà là cách giáo viên chạy theo thành tích, bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ”. Ngoài ra, vốn từ của trẻ chỉ bó hẹp trong khuôn khổ bài văn mẫu, khi gặp những đề khác chưa được đọc, được làm, các em sẽ không biết triển khai hoặc viết rất ngô nghê. Học sinh học thuộc văn mẫu làm trẻ mất khả năng cảm nhận, khả năng diễn đạt kém hơn nữa để học thuộc bài văn mẫu là vô cùng khó, nếu đang viết dở trẻ quên mất thì không biết làm tiếp thế nào.
Việc dạy Tập làm văn cho học sinh Tiểu học không phải dễ, chỉ cần chịu khó tìm tòi, biết cách sắp xếp thời gian thì việc dạy tốt không phải là khó. Khi dạy trẻ làm văn, hãy giúp các em xây dựng từ điển mini. Trong giờ dạy Tập làm văn, giáo viên nên tìm cách truyền cảm hứng học cho học sinh. Mỗi buổi học, cần tạo các nhóm để học sinh thi đua nhau, tạo chủ đề học tập để hệ thống lại kiến thức. Ngoài ra, việc tổ chức các trò chơi Tiếng Việt như mở rộng vốn từ, đố vui… sẽ khiến học sinh thêm hào hứng.
Việc hướng dẫn học sinh học tốt phân môn Tập làm văn, nhận thấy đây là một vấn đề có tầm quan trọng đối với việc giúp học sinh học tốt phân môn Tập làm văn. Chúng ta không nên áp đặt cho học sinh xem bài văn mẫu, không áp đặt học thuộc bài làm văn mẫu, rồi cho học sinh nói, viết lại bài văn đó. Làm như thế sẽ làm cho học sinh hạn chế về kiến thức, tư duy của các em, nó còn làm cho các em không có nhạy bén về vốn sống, vốn hiểu biết, tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, nâng cao năng lực tư duy, hình thành nhân cách cho học sinh.
Trên đây là nhằm giúp học sinh học tốt hơn phân môn Tập làm văn thì mới dám: Nói không với văn mẫu. Do trình độ có giới hạn nên vấn đề trình bày còn có những thiếu sót. Rất mong sự đóng góp chân thành của BGH cũng như đồng nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Nguồn
Hà Quang Dũng