TTO – Cha mẹ Việt ngày nay quá bận rộn và gặp nhiều khó khăn trong việc cùng con hình thành nhân cách, kỹ năng. Nhiều bậc cha mẹ vẫn làm rất nhiều thứ thay con, nên con chẳng cần làm gì cho mình, chẳng cần phát triển kỹ năng.
Giáo sư Trương Nguyện Thành – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, tác giả cuốn sách “Cha voi – Dạy con nên người ở thời đại số” chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về dạy con.
Ông nhấn mạnh xã hội đã thay đổi, thời của con giờ đã khác xa thời của cha mẹ nên để dạy con, trước hết chính cha mẹ cần thay đổi.
“Cha mẹ nên tận dụng mọi cơ hội để trải nghiệm cùng con, khi đó con mới gắn bó với mình. Thật sự cái con cần là thời gian, tình thương và sự quan tâm của cha mẹ. Tôi không có cơ hội hằng ngày tiếp xúc với con, để có thể mỗi tối đọc sách cho con trước khi đi ngủ. Bù lại, mỗi tuần tôi dành hẳn một ngày cho con, ngày đó là ngày của con, tôi không làm bất cứ việc gì, không trả lời điện thoại…”
“Nói không có thời gian là ngụy biện”
* Giáo dục con cái thời đại số khác với ngày xưa như thế nào, thưa giáo sư?
– Khác rất nhiều! Nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam gần như mặc định tư duy: cha mẹ dạy mình sao thì mình giáo dục vậy với con. Ít ai thật sự đặt câu hỏi: “Tôi dạy con như thế có đúng không?”.
Cha mẹ của họ sống trong xã hội hoàn toàn khác với thời của họ và đến lượt con họ cũng vậy – sống trong thế giới hoàn toàn khác với thời họ đã sống. Do vậy, dạy con ở mỗi thời đại khác rất nhiều, cha mẹ phải xác định điều này.
* Vậy cha mẹ phải thay đổi như thế nào, cần làm gì để dạy con trong thời đại này?
– Cha mẹ Việt Nam theo quan sát của tôi trong thời gian ở đây thì thấy rằng họ đối xử với con cái như cách quen thuộc mà cha mẹ họ đã đối xử với họ. Họ cần nhận thức rằng trước tiên chính mình phải thay đổi, rồi mới nói tới việc dạy con.
Cha mẹ Việt Nam khi xưa cha đi làm, mẹ ở nhà lo các con, còn bây giờ hầu như cha mẹ đều đi làm, nếu gia đình khá giả thì phó mặc con cái cho người giúp việc và rồi con lớn lên sẽ có tư duy của người giúp việc. Cha mẹ nói không có thời gian là ngụy biện.
Đa số cha mẹ chờ sự kiện xảy ra để phản ứng: dạy con, la con, đánh con; nếu không hầu như không làm gì hết, con làm gì, chơi gì mặc con. Nếu như thế thì cha mẹ có thể sẽ mất nhiều cơ hội dạy con những bài học cuộc sống quan trọng, vì con trẻ đã quá lứa tuổi để học những bài học đó. Qua thời điểm thì dạy rất khó, đã hỏng thì sửa rất khó vì tư duy con đã trưởng thành, con đã hấp thụ thông tin từ ai đó, từ môi trường khác, không theo ý của mình nữa.
Thứ hai, ở Việt Nam tôi nhận thấy cha mẹ bắt con phải làm những gì mình nói, chứ đừng coi những gì cha mẹ làm. Cha mẹ cho rằng chuyện đời mình hư rồi, không muốn con hư như mình, con phải trở thành kỹ sư, bác sĩ hoặc bắt con làm những việc mà chỉ phụ huynh mới được làm: không chơi game, không dùng điện thoại.
Tất cả những gì cha mẹ muốn con làm thì cha mẹ phải làm gương trước, phải sống như vậy. Cha mẹ muốn con như thế nào thì mình phải sống y như thế đó, vì con lúc nào cũng noi gương cha mẹ. Đứa con là tấm gương phản chiếu và sẽ hành xử giống vậy.
Cha mẹ lịch sự, con lớn lên lịch sự; cha mẹ ngang tàng, con lớn lên ngang tàng; cha mẹ bạo hành, con sẽ bạo hành với bạn bè, người xung quanh, thậm chí khi về già sẽ đối xử với cha mẹ như vậy… Đó là kết quả của tấm gương phản chiếu. Nhiều cha mẹ Việt Nam chưa nhận thức điều này và chưa nghĩ một ngày nào đó mình sẽ nhận lại như vậy.
Thương con đúng cách
* Dưới góc nhìn của một người cha có hai con, theo ông, để giáo dục một đứa trẻ phát triển nên người cần những gì?
– Đứa trẻ cần 4 khía cạnh để phát triển thành con người bình thường: tư duy, kỹ năng, nhân cách và kiến thức. Hệ thống giáo dục tập trung vào kiến thức, một số trường quốc tế bắt đầu tập trung vào kỹ năng.
Hai cái rất quan trọng nhưng hình như bị lãng quên là nhân cách và tư duy. Nhân cách hình thành con người, còn tư duy là hệ điều hành giúp người ta đưa ra nhận thức những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, điều khiển cảm xúc, suy nghĩ của họ.
Cha mẹ trẻ ngày nay quá bận rộn và gặp nhiều khó khăn trong việc cùng con hình thành nhân cách. Kỹ năng cũng vậy, rất sao nhãng. Ví dụ tôi thấy nhiều cha mẹ có con 4-5 tuổi vẫn chạy theo đút ăn, con 9-10 tuổi cũng vậy thì làm sao dạy cho con kỹ năng tự lập và cho con biết nó muốn cái gì? Từ đó, chính cha mẹ cho rằng con mình không năng động, không biết nó muốn cái gì.
Cha mẹ Việt Nam vẫn làm rất nhiều thứ cho con. Đấy cũng là sự khác biệt rất lớn, nên con chẳng cần làm gì cho mình, chẳng cần phát triển kỹ năng cho mình. Cha mẹ đang hiểu lầm, đó là cách biểu hiện tình thương không đúng, biến đứa trẻ thành người lệ thuộc, thụ động.
Như tôi đột ngột gia đình gặp biến cố, ba bị tai nạn, thằng bé 11 tuổi là tôi phải ra đường đi bán thuốc lá. Cha mẹ cũng nên đặt câu hỏi lỡ ngày mai đây mình xảy ra chuyện thì con mình sống như thế nào? Đứa con chỉ ngồi chờ cha mẹ cho ăn, trong khi cha mẹ hết khả năng kiếm tiền hoặc chết đi thì đứa trẻ sẽ như thế nào? Cha mẹ nên đặt những câu hỏi này càng sớm càng tốt.
Kinh nghiệm của tôi là dạy con độc lập ở từng thời điểm cụ thể, chẳng hạn 11 tuổi thì sẽ độc lập theo 11 tuổi, 12 tuổi phải có khả năng độc lập 12 tuổi… để tôi lúc nào cũng cảm thấy an toàn, rằng ngày mai không có cha mẹ thì con tôi vẫn ổn.
* Điều đọng lại cuối cùng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái là gì, theo giáo sư?
– Đó là tình thương. Nhưng cha mẹ cần hiểu rằng tình thương nên biểu hiện thế nào cho đúng. Cha mẹ đang hiểu rất lệch lạc, thương nên lo, thậm chí lo cả tương lai, thương nên ráng làm để gia tài kếch sù… đó là những nhận định lệch lạc.
Thương nhưng phải đúng cách!